28 February, 2014

Lịch sử ra đời của Café Racer và tầm ảnh hưởng của nó

Thuật ngữ Café Racer ra đời tại xứ sở Sương Mù Anh Quốc vào những năm 60 để chỉ những người đam mê xe 2 bánh. Đặc biệt là để chỉ những thành viên của nhóm Rocker (Những Chàng Trai Vạn Dặm). Thuật ngữ này dùng để mô tả phong cách chạy xe của những thành viên Rocker từ những quán Cà-phê Xa lộ (Transport Café) tới những quán khác trên cùng một cung đường. Cùng thời điểm Café Racer cũng rất phổ biến ở Ý, Pháp và các quốc gia Châu Âu khác.

Cấu tạo điển hình của một chiếc Café Racer:
Một chiếc Café Racer thường được đơn giản hóa để đạt được hiệu quả cao trong tốc độ và khả năng điều khiển mà không quan tâm lắm đến sự thoải mái của người cầm lái. Thân xe và hệ thống lái ban đầu được bắt chước theo phong cách của những chiếc xe đua thuộc hệ thống giải đua Grand Prix lúc bấy giờ, tức là - bình xăng được kéo dài, thường có vết lõm để cho phép gối của người lái ôm sát vào thân xe, tay lái được hạ thấp, thu hẹp với yên ngồi chỉ dành cho một người, gác chân được kéo về sau. Tất cả các chi tiết đều giúp cho người lái dễ kiểm soát chiếc xe hơn và đặc biệt là để giảm sức cản của gió.

Tầm ảnh hưởng của Café Racer:
Như đã nêu trên đầu bài, ban đầu thuật ngữ Café Racer dùng để chỉ những thành viên trong hội Rockers. Nhóm này ra đời vào khoản giữa thập niên 1950, được biết đến như là "Những chàng trai Trăm Dặm", bởi đơn giản họ có khả năng phóng trên đường với tốc độ 100 dặm Anh (khoảng 160km) một giờ. Những chàng trai bụi bặm này lấy xe cộ làm lẽ sống, với phong cách rất đặc trưng, và tự tách ra hẳn với xã hội đang "công nghiệp hóa - đồng hóa nặng nề". Sự nổi loạn và phá cách này làm phá vỡ những gì Xã Hội tưởng tượng về Xe Máy và khiến Cảnh Sát thường xuyên để mắt đến họ.

Giới truyền thông bắt đầu để ý đến nhóm Rockers và tô vẽ họ như là "Đám Quỷ Dữ", và khiến Xã Hội cảm thấy e ngại bởi những hình ảnh bị bóp méo quá đáng. Từ sau những năm 1960, nhóm Mô Tô mới có tên chính thức là Rockers bởi sự phát triển của nhạc Rock và âm thanh ồn ào từ những tiếng pô xe phát ra. Xã hội thời đó coi họ như là những chàng trai "Ngây Thơ và Mất Phương Hướng", "Cao Bồi Xe Máy" hay "Những Gã Lang Thang Ngoài Vòng Pháp Luật". Những người thuộc nhóm Rockers thường xuyên tụ tập ở những quán Cafe trên Xa Lộ - Nơi là trạm dừng chân của các phương tiện công cộng.

Tuy nhiên cũng có một giả thuyết khác cho rằng: Cafe Racer ám chỉ những người sở hữu xe nhưng chỉ giả vờ là tay đua (racer) chứ không thực sự đua xe, thay vào đó họ thường dựng xe ở những quán Cà-phê Xa Lộ để chiêm ngưỡng vẻ ngoài là chính.

Cho dù là Rockers hay những tay đua giả vờ thì họ cũng có những điểm chung là thường xuyên tụ tập tại những quán Cà-phê Xa Lộ, đặt ra một mốc thời gian nhất định, cùng đua đến đích rồi quay lại quán Cà-phê , nếu nằm trong khoảng thời gian đặt ra sẽ chứng tỏ mẫu xe mà mỗi người điều khiển có chạm được mốc 100 dặm/h (160 km/h) hay không. Những giả thuyết này là một phần của văn hóa truyền miệng khi người ta chưa có ý định ghi chép lại lịch sử của mỗi dòng xe.

Sự phát triển:
Xuất hiện những năm 60 tại Anh cho đến những năm 70 thì những hãng xe của Nhật Bản đã thống lĩnh và làm mưa làm gió thị trường Café Racer trên thế giới và ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách thiết kế của những chiếc xe đua giải Grand Prix. Có thể kể đến là sự thay đổi về bình xăng, từ những bình xăng nhôm không sơn nó đã được thay đổi bằng những bình xăng góc cạnh, hẹp hoặc được chế tác từ sợi thủy tinh. Tiếp đến là sự thay đổi về động cơ, được ưa chuộng nhất lúc bấy giờ là động cơ 3 xi-lanh của Kawasaki hoặc 4 xi-lanh của Honda, mang đến sức mạnh vượt trội cùng thiết kế gọn với thân xe.
Đồng thời hàng loạt các nhà máy sản xuất dòng xe này ra đời khắp nơi trên thế giới, và Café Racer trở thành trào lưu đi xe lúc bấy giờ của thanh niên. Tuy nhiên đến thập niên 80 Café Racer dần mất đi chỗ đứng của mình để nhường lại thị trường cho những dòng xe mang lại sự thoải mái và tiện dụng hơn cho người lái.
Cho đến những năm gần đây, trào lưu Café Racer cũng như Vintage Bike và các dòng xe độ khác đang được các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới hưởng ứng.

Dịch và Đăng: Tâm Đặng
Nội dung và Hình ảnh: Tổng Hợp
Categories:

0 comments:

Post a Comment


    Followers