25 March, 2014

Độ Xe Café Racer - Những nguyên tắc cơ bản (Phần 3)

Độ Xe Café Racer - Những nguyên tắc cơ bản (Phần 3), tiếp nối với 2 phần trước, tôi sẽ tiếp tục nói đến 3 yếu tố còn lại trong 9 nguyên tắc độ của kỹ sư thiết kế Charlie Trelogan: Primary Angles - Góc nghiêng cơ bản; Secondary Angles - Góc nghiêng thứ cấp (phụ); Forks Distance - Khoảng cách trục trước.
Xin lưu ý: Toàn bộ nội dung dưới đây được Vietcustombike dịch lại Tiếng Việt và viết dưới cảm nhận của người đăng, một vài thuật ngữ của tác giả sẽ được giữ nguyên cũng như được dịch lại mà không đảm bảo độ chính xác hoàn toàn. Mọi đóng góp về dịch thuật xin vui lòng để lại dưới Comment, sự quan tâm của các bạn là động lực rất lớn cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!.
Nội dung sẽ được chia làm 03 phần đăng liên tiếp trong Tháng 3/2014, mời các bạn đón đọc.
5. PRIMARY ANGLES - GÓC NGHIÊNG CƠ BẢN:
Góc nghiêng cơ bản trong Độ Xe Café Racer
Yếu tố này thường bị các tay độ bỏ qua, và được cho là không quan trọng, tuy nhiên tôi vẫn nhấn mạnh điểm này đến anh em, như trong ảnh ta thấy Trục trước (giảm xóc trước) và Thanh đỡ sau gần như song song, nó tạo một cái nhìn liên kết chặt chẽ  hơn cho khung xe và cho toàn bộ chiếc Café Racer. Đối với một vài dạng xe, nếu ta bỏ qua phần này có thể khiến toàn bộ công sức độ của anh em đổ sông đổ bể.

6. SECONDARY ANGELS - GÓC NGHIÊNG THỨ CẤP
Góc nghiêng thứ cấp trong Độ Xe Café Racer
Góc nghiêng thứ cấp hoàn toàn có thể bỏ qua và không cần xem xét đến nó, tuy nhiên nếu tay độ hoặc chủ xe là một người tinh tế và yêu thích sự hoàn hảo thì nên lưu ý một chút. Như trong ảnh ta thấy có những chi tiết không quá quan trọng như Mặt phẳng két tản nhiện và Đèn xe, Ống xả (pô) và đoạn thẳng từ Đuôi xe (Crowl) đến phần Chắn bùn con sau, tất cả tạo nên một sự đồng nhất tuyệt đối, tinh tế và tăng phần độc đáo cho chiếc Café Racer.

7. FORK DISTANCE - KHOẢNG CÁCH TRỤC TRƯỚC
Khoảng cách trục trước trong Độ Xe Café Racer
Khoảng cách trục trước phụ thuộc vào độ dài của trục cũng như Góc nghiêng của Chảng ba xe. Nguyên tắc ở đây là "khoảng cách càng nhỏ - chiếc xe càng gọn và dứt khoát", tuy nhiên anh em cũng nên để ý đến góc nghiêng của Thanh đỡ sau sao cho chiếc xe đừng trở nên kệch cỡm tạo vẻ khó chịu khi lái. Ta cũng có thể mở rộng khoảng cách tuy nhiên khoảng cách càng lớn chiếc xe sẽ càng giống một chiếc Bobber.

Lời kết của tác giả:
Tôi đã dựa vào 9 nguyên tắc này của mình để độ khá nhiều chiếc Café Racer, kinh nghiệm cho thấy những yếu tố cơ bản này sẽ giúp cho việc độ dễ dàng hơn, có định hướng từ đầu. Một khi bạn đã nắm vững những hướng dẫn này, việc còn lại tùy thuộc vào khả năng thiên biến vạn hóa của mình để làm cho chiếc xe trở nên độc đáo theo cách của riêng bạn.

Xin cảm ơn anh em đã đọc và theo dõi 3 phần, riêng tôi cũng hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích được cho anh em, dù là xưởng độ, tay chơi nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Hãy tiếp tục theo dõi những bài viết trên blog này nếu anh em thích.

Hết phần 3 (phần cuối).
Ở phần 1 và 3 Vietcustombike sẽ đề cập đến những yếu tố khác như:
Phần 1: The Foundation - Nền tảng xe; The Cut-Off Point - Điểm cắt; Height Limit - Chiều cao giới hạn.
Phần 2: The Bone Line - Sống lưng xe; The Visual Weight - Trọng lượng ảo của xe; The Swoop - Đường cong Swoop.

Dịch và Đăng: Tâm Đặng
Nội dung và Hình ảnh: bikeexif

17 March, 2014

Độ Xe Café Racer - Những nguyên tắc cơ bản (Phần 2)

Ở phần này tôi xin giới thiệu tiếp 3 nguyên tắc trong cách thức để độ một chiếc xe Café Racer đạt chuẩn thẩm mỹ và cơ bản nhất đó là: The Bone Line (Sống Lưng Xe), The Visual Weight (Trọng Lượng Ảo) và The Swoop (Đường Cong Swoop).
Xin lưu ý: Toàn bộ nội dung dưới đây được Vietcustombike dịch lại Tiếng Việt, một vài thuật ngữ của tác giả sẽ được giữ nguyên cũng như được dịch lại mà không đảm bảo độ chính xác hoàn toàn. Mọi đóng góp về dịch thuật xin vui lòng để lại dưới Comment, sự quan tâm của các bạn là động lực rất lớn cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!.
Nội dung sẽ được chia làm 03 phần đăng liên tiếp trong Tháng 3/2014, mời các bạn đón đọc.
 4. THE BONE LINE - SỐNG LƯNG XE:
Một trong những yêu cầu quan trọng trong việc thiết kế xe hơi, và cũng cực kì quan trọng khi độ một chiếc Café Racer. Như trên ảnh ta thấy, "Sống Lưng Xe" là nơi mà đèn xe, bình xăng, chỗ ngồi và đuôi xe xuất hiện, thông thường trung tâm của đèn xe sẽ là điểm đầu của "Bone Line", từ đây đường thẳng sẽ đi ngang qua 1/2 chiều cao của bình xăng và sẽ là mặt phẳng ngồi của yên, sau đó kết thúc ở phần đuôi xe (Crowl). Như vậy Sống Lưng Xe khác với đường thẳng "Nền Tảng Xe" (xem lại phần 1) tuy nhiên nó phụ thuộc vào phần này hoàn toàn, từ nền tảng bạn sẽ tính toán và sắp đặt sao cho những yếu tố như bình xăng, tay lái, yên có độ cao và vị trí nằm tương đối nhất với trung tâm đèn xe, để từ đó tạo ra Sống Lưng, một trong những yếu tố hình học cơ bản nhất của một chiếc Café Racer.

5. THE VISUAL WEIGHT - TRỌNG LƯỢNG ẢO:
Đây là nơi tập trung khối lượng chính của một chiếc xe, phần đầu tiên bao gồm: động cơ, các chi tiết máy liên quan, bình xăng và các chi tiết nằm phía trước của khung phụ. Đoạn này cũng thể hiện độ dài nhỏ nhất cho bình xăng của chiếc xe, nếu bình xăng ngắn hơn đoạn này chiếc xe của bạn trông sẽ giống một chiếc Bobber, tuy nhiên bạn cũng nên cân nhắc trước khi có ý định kéo dài bình xăng quá so với chuẩn vì có thể chiếc xe sẽ trở nên nặng nề và khó kiểm soát hơn.
Phần thứ 2 ta cần để ý đó là trục khối lượng (đoạn bôi đỏ đậm-xem ảnh), có thể được xác định bằng mắt thường là ở giữa động cơ, hoặc chính xác hơn là ở giữa các Xi-lanh/Pistol. Chúng ta sẽ dựa vào phần này để thiết kế bình xăng của xe, điểm cao nhất của bình xăng nên nằm trên trục này hoặc càng gần càng tốt.
Trục khối lượng này có thể áp dụng như nhau cho hầu hết các dòng xe động cơ nghiêng (máy nghiêng) của Honda, Kawasaki hay Yamaha. Ta có thể thấy một vài chiếc xe có "máy nghiêng" của Nhật Bản có thể độ bình xăng theo chuẩn đỉnh nằm ở trước và thấp dần về phía yên trông rất hợp lý và thẩm mỹ.

6. THE SWOOP - ĐƯỜNG CONG SWOOP:
Để xác định đường cong này ta cần biết về xu hướng "swoop", đó là bình xăng với đuôi xe (Crowl) là một khối thống nhất, được khoét xuống một đoạn để tạo nên yên xe. Chính vì vậy đường cong "Swoop" sẽ bắt đầu với bình xăng và kết thúc ở đuôi xe, điều ta cần làm là khiến cho đường cong này trông thật nhất có thể để tăng độ chặt chẽ trong việc tạo hình của một chiếc Café Racer.

Hết phần 2.
Ở phần 1 và 3 Vietcustombike sẽ đề cập đến những yếu tố khác như:
Phần 1: The Foundation - Nền tảng xe; The Cut-Off Point - Điểm cắt; Height Limit - Chiều cao giới hạn.
Phần 3: Primary Angles - Góc nghiêng cơ bản; Secondary Angles - Góc nghiêng thứ cấp (phụ); Forks Distance - Khoảng cách trục trước.

Dịch và Đăng: Tâm Đặng
Nội dung và Hình ảnh: bikeexif

10 March, 2014

Độ Xe Café Racer - Những nguyên tắc cơ bản (Phần 1)

Vietcustombike gửi đến bạn đọc bài viết "Độ Café Racer - Những nguyên tắc cơ bản" được dịch và tổng hợp từ Bikeexif - một trong những chuyên trang về xe độ hàng đầu thế giới nhằm giải thích rõ một vài vấn đề cũng như chia sẽ những thông tin về dòng xe Café Racer đang được nhiều người quan tâm ở Việt Nam.
Bài viết này của tác giả Charlie Trelogan, một trong những nhà thiết kế kiểu dáng xe hơi chuyên nghiệp. Anh bắt đầu tìm hiểu về độ Café Racer chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tháng gần đây, khi anh có dịp làm đối tác thiết kế nội ngoại thất cho Tata Motors’ Asia Pacific. Sản phẩm của anh được trưng bày tại hội chợ Delhi motor show 01/2014, từ đây anh có cơ hội trải nghiệm về xe máy khi đi dạo trên các con đường của Ấn Độ, ngay lập tức anh đã bị quyến rũ bởi chúng và bắt đầu việc nghiên cứu về Café Racer từ những chiếc Royal Enfield Bullet của Ấn Độ.
Xin lưu ý: Toàn bộ nội dung dưới đây được Vietcustombike dịch lại Tiếng Việt, một vài thuật ngữ của tác giả sẽ được giữ nguyên cũng như được dịch lại mà không đảm bảo độ chính xác hoàn toàn. Mọi đóng góp về dịch thuật xin vui lòng để lại dưới Comment, sự quan tâm của các bạn là động lực rất lớn cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!.
Nội dung sẽ được chia làm 03 phần đăng liên tiếp trong Tháng 3/2014, mời các bạn đón đọc.
Charlie Trelogan - "Là một nhà thiết kế xe, tôi dành phần lớn thời gian công việc để giải quyết vẻ bề ngoài của một cỗ máy, làm cho nó có cái nhìn tốt nhất có thể. Thiết kế là công việc của sự sáng tạo, một cách tự nhiên, chính vì vậy tôi luôn hướng mình đến sự tự do và phá cách. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những nguyên tắc, những buổi kiểm tra và ranh giới trong việc hiệu chỉnh để tham khảo cũng như đảm bảo rằng sản phẩm của mình là tốt nhất, là an toàn nhất.
Những nguyên tắc dưới đây chỉ mang tính tham khảo hoặc bạn cũng có thể xem nó như một chỉ dẫn cơ bản. Độ một chiếc Café Racer không chỉ nặng tính nghệ thuật mà còn yêu cầu rất nhiều nguyên tắc khoa học để mỗi chiếc xe đều có đặc điểm riêng của nó. Nó phản ánh thế giới quan, mang tính thời đại cũng như thể  hiện mong muốn của chủ chiếc xe.
Những phác thảo dưới đây dựa trên những gì tôi quan sát được, tôi hy vọng rằng nó sẽ giúp ích và truyền cảm hứng cho những người đam mê xe, để những dự án của họ mang tính thẩm mỹ cao hơn."

Mẫu xe được dùng trong bài này: Honda CX500 bản độ Café Racer của Mateusz Stankiewicz kết hợp với garage Eastern Spirit.

1. THE FOUNDATION - NỀN TẢNG XE:
"Nền tảng xe" ảnh hưởng rất nhiều đến kết cấu, định hướng độ xe và cái nhìn tổng thể của một chiếc Café Racer. Được ưu tiên hàng đầu và cũng là những đặc tính cơ bản nhất để bạn dễ dàng nhận ra một chiếc Café Racer. Trên ảnh ta có thể thấy một đường thẳng được kéo dài từ trước ra sau, nó mang lại một cái nhìn trực quan, thích hợp cho việc thể hiện sức mạnh cũng như tốc độ của một chiếc xe. Khi nhìn vào một kết cấu xe, bạn sẽ phải để ý đến đường thẳng này trước, dùng nó làm trọng tâm và sau đó dựa vào những kinh nghiệm hoặc sáng tạo của bản thân để thêm thắt hoặc phá cách trong việc độ chiếc xe của mình. Nếu theo đúng chuẩn, chiếc xe của bạn sẽ có cái nhìn đồng đều cũng như đạt được độ cân bằng tương tối trên đường trường, không tạo cảm giác khó chịu khi lái.

2. THE ‘CUT-OFF POINTS’ - ĐIỂM CẮT CƠ BẢN:
"Điểm cắt cơ bản" như trong ảnh ta thấy đó chính là 2 trục xoay của bánh trước và bánh sau, không gian thiết kế chính là khoảng cách giữa 2 trục này. Mọi chi tiết quan trọng của một chiếc Café Racer đều nằm trong khoảng này, nếu có bất cứ thứ gì nằm phía ngoài thì mục đích cũng chỉ là để tạo nên sự khác biệt và quái cho chiếc xe. Bạn có thể thêm thắt một vài chi tiết nhỏ bên ngoài không gian này tùy ý, tuy nhiên đừng cố kéo dài thân xe vượt qua "Điểm cắt cơ bản", nhất là việc kéo dài quá trớn phần đuôi xe (Cowl), nó sẽ làm giảm độ sâu của ghế ngồi, và trông chiếc xe sẽ rất tệ. Phần chắn bùn phía trước sẽ tuyệt vời hơn nếu độ dài của nó dừng ngay tại "Điểm cắt cơ bản", ảnh trên ta có thể thấy phần đuôi xe (Cowl) và phần Chắn bùn trước có dài hơn một tí, điều này có thể chấp nhận được.

3. HEIGHT LIMIT - ĐỘ CAO GIỚI HẠN:

"Độ cao giới hạn" cũng rất quan trọng, cùng với "Điểm cắt cơ bản" nó tạo nên không gian thiết kế chính của Café Racer (ảnh), bạn sẽ dễ dàng lên kế hoạch cho việc độ chiếc xe hơn nếu dựa vào không gian chuẩn này. Điểm cao nhất của một chiếc Café Racer sẽ là bình xăng (ảnh), đừng cố đưa bất cứ chi tiết nào khác (nhất là tay lái) vượt qua "Độ cao giới hạn" này, vì nó sẽ phá vỡ hình dáng, kết cấu cũng như sự sắp xếp cơ bản của một chiếc Café Racer. Nếu bạn nâng tay lái lên cao hơn bình xăng, lúc ấy chiếc xe của bạn trông sẽ không khác gì một chiếc Tracker. Hãy lưu ý, giảm thiểu mọi chi tiết vượt ngoài "Độ cao giới hạn".

Hết phần 1.
Ở phần 2 và 3 Vietcustombike sẽ đề cập đến những yếu tố khác như:
Phần 2: The Bone Line - Sống lưng xe; The Visual Weight - Trọng lượng ảo của xe; The Swoop - Đường cong Swoop.
Phần 3: Primary Angles - Góc nghiêng cơ bản; Secondary Angles - Góc nghiêng thứ cấp (phụ); Forks Distance - Khoảng cách trục trước.

Dịch và Đăng: Tâm Đặng
Nội dung và Hình ảnh: bikeexif

03 March, 2014

Yamaha SR500 Café Racer bản độ của MotorHangar

Yamaha SR500 Café Racer là bản độ độc đáo trong muôn ngàn chiếc Café Racer xuất hiện vào đầu năm 2013. Tuy nhiên cái mà hãng độ MotorHangar muốn đề cao ở đây chính là phong cách Mỹ Cổ Điển đã lâu không xuất hiện, và  họ gọi những chiếc xe của mình làm ra là "cổ máy cổ điển" (Vintage machine)...
Mặc dù Mỹ được biết đến như là vùng đất của Bobber, Chopper. Tuy nhiên ngọn lửa Café Racer vẫn len lói và thổi bùng trong huyết quản của rất nhiều thế hệ thanh niên. MotorHangar (MH) là một hãng độ uy tín và nổi tiếng với việc chỉ độ Café Racer từ những mẫu xe thập niên 70 của Nhật Bản. Pat Jones - chủ sở hữu và cũng là nhà điều hành của MH là người đưa ra tất cả những ý tưởng độc đáo cho các sản phẩm mới, ông có những kỹ năng và trải nghiệm tuyệt vời cho việc "phục hồi cổ điển" (retro) cho một chiếc xe.

Việc chọn Yamaha SR500 để làm điển hình cho mẫu Café Racer Cổ Điển kiểu Mỹ là việc hết sức hợp lý. Người Mỹ đã quá quen với khung sườn của SR500, từ việc độ Bobber, Chopper hay thập chí là những chiếc Tracker, nó tạo cảm giác khá gần gũi. Hơn nữa, theo Pat Jones, kiểu dáng hiện đại cộng với động cơ 1 xy-lanh thumper kiểu Nhật là hình mẫu tiêu biểu cho những chiếc xe thập niên 70.

Bắt đầu với việc chọn Yamaha SR500 đời 1979, họ lược bỏ hết toàn bộ những chi tiết đi kèm, hạ thấp phần khung trước và tinh chỉnh lại phần giảm sốc sau. Họ chọn cặp phuộc HAGON cho bộ giảm sốc sau, phần khung và gắp sau được cắt và hàn lại cho hợp với độ dài của xe. MH sử dụng đèn pha trước cổ điển và đèn hậu đơn lệch bên trái để thêm điểm nhấn cho chiếc xe. Ghế da được làm thủ công cộng với phần đuôi được viền một lớp kim loại chống gỉ (và một vài chi tiết chống gỉ khác như viền dĩa trước-sau, bình xăng,...) làm tăng tính sang trọng. Ngoài ra ống xả Yoshimura giảm thanh và bộ lọc gió K&N cũng được MH tin dùng. Cặp mâm được sơn đen tĩnh điện đi kèm với lốp Firestone cổ điển là một phần không thể thiếu để tôn vinh nét "vintage".

Vietcustombike giới thiệu đến các bạn một vài hình ảnh về con ngựa chiến Yamaha SR500 Café Racer của MotorHangar:








Dịch và Đăng: Tâm Đặng
Nội dung và Hình ảnh: motorivista.com

02 March, 2014

Honda CB250 Superdream bản độ Café Racer của OEM

OEM (Old Empire Motocycles) là một hãng độ xe danh tiếng tại xứ sở Sương Mù Anh Quốc, tất cả những sản phẩm của họ đều được giới dân chơi đánh giá cao bởi sự độc đáo và tinh tế khác biệt trong từng chi tiết của chiếc xe. Honda CB250 Superdream (aka Hunter) là một trong những sản phẩm mới nhất hãng độ này, nó độc đáo đến nỗi nhiều dân chơi xe độ đã nằng nặc trả giá cao hơn và thậm chí còn yêu cầu một buổi bán đấu giá để sở hữu được Hunter.
Sự phát triển đến chóng mặt của ngành công nghiệp độ xe trên toàn cầu đã tạo ra nhiều bước ngoặc to lớn trong phong cách độ xe cũng như sự linh hoạt trong việc sử dụng linh kiện - phụ kiện cho bản độ của mỗi một hãng độ nào. Có thể nói mỗi một tuần trôi qua chúng ta lại có thêm ít nhất một phong cách độ xe mới, và những hãng độ xe, những dân chơi độ xe liên tục tìm tòi và phát triển cho phong cách riêng của mình.

Một thành viên của OEM chia sẻ: "Chúng ta có hàng ngàn dân chơi thay đổi kết cấu xe mỗi ngày, và lúc nào họ cũng muốn phá cách, không đi theo đường lối cũ, tạo ra cái mới cho riêng mình. Tôi thích những con người như vậy, bạn có thể thất bại 1 lần, 2 lần và hàng trăm lần khác, tuy nhiên việc bạn làm luôn có người dõi theo và chờ đợi. Cho đến khi bạn thành công, cái bạn có được không chỉ là sự thán phục của dân chơi khác mà chính là sự hạnh phúc tột đỉnh khi đứa con tinh thần của bạn được mọi người công nhận."

Quay lại với hành trình chế tác trên chiếc Honda CB250 Superdream chúng ta có thể nhận thấy là khung sườn xe được giữ nguyên bản, đèn pha vuông làm chiếc xe thêm cứng cáp. Ghi đông tùy chỉnh Clip-on là một đặc trưng khác không thể thiếu của dòng xe Café Racer. Ống Xả cực ngắn Stumpy sẽ khiến mọi người xung quanh phải ngoái nhìn mỗi vùng đất bạn đi qua. Cặp lốp cổ điển Exelcior cùng vành mâm đã tạo nên điểm nhấn độc đáo cho chiếc xe.

Phần màu sơn của Honda CB250 Superdream do hãng sơn Flying Tiger (Phi Hổ ^^) thực hiện,  họ đã đánh bay toàn bộ màu sơn trắng cũ và sử dụng màu trắng ngà voi được áp dụng kỹ thuật phun mờ khiến cho chiếc xe trông sang trọng hơn, quý phái hơn và đặc biệt rất dễ để kết hợp với các phụ kiện có màu đen hoặc màu đồng. Tuy nhiên điểm yếu là bạn phải liên tục lau chùi chiếc xe vì nó rất dễ bị làm bẩn (màu trắng mà).

Về phần OEM, họ cho biết sắp tới đây sẽ tiếp tục độ một huyền thoại của hãng xe Honda đó là CB400 cũng theo phong cách này (Hunter) và 5 chiếc khác cũng đang được đặt hàng. OEM cũng gửi lời cảm ơn đến những hãng đã hỗ trợ họ trong việc hoàn thành Hunter là: Hãng Sơn Flying Tiger, Hãng Độ Demeanou, TEM Sport, Xưởng Sơn Tĩnh Điện Aerocoat và Ekquire Motorcycles".

Và bây giờ cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kẻ đi săn Honda CB250 Superdream (aka Hunter) này nhé:







Dịch và Đăng: Tâm Đặng
Nội dung và Hình ảnh: motorivista.com

01 March, 2014

Bobber - Chopper, lịch sử hình thành và cách phân biệt!

Bobber và Chopper là 2 dòng xe độ có vẻ ngoài khá giống nhau và không dễ gì phân biệt đối với những ai chưa từng tìm hiểu qua về các dòng xe độ cổ điển. 2 dòng xe độ này có liên hệ mật thiết với nhau, để phân biệt một cách đơn giản nhất - Bobber là những chiếc còn giữ nguyên đặc tính cơ bản khung xe gốc.

Vietcustombike xin giới thiệu đến các bạn một vài thông tin hữu ích về 2 dòng xe độ nổi tiếng là Bobber và Chopper này.

Kiểu xe Bobber và thuật ngữ "cắt cụt" (bob):
Bobber được xe là kiểu xe độ đầu tiên xuất hiện trên thế giới, có nghĩa là: những chiếc xe được tùy chỉnh lại cấu tạo khác đi so với nhà sản xuất theo trào lưu và có hệ thống. Kiểu xe này được tạo ra ban đầu chỉ với một mục đích: giảm giá thành tối ưu cho một chiếc xe 2 bánh.
Bobber nổi bật với phần chắn bùn trước được loại bỏ hoàn toàn và phần chắn bùn sau được cắt ngắn đến khó chịu để lộ phần bánh sau ra nhiều hơn. Tất cả những chi tiết của xe nguyên bản không cần thiết như kiếng chiếu hậu, đèn xi nhan, cốp xe (nếu có) và kể cả phần ghế sau đều bị loại bỏ không thương tiếc nhằm giảm trọng lượng tối đa cho chiếc xe. Những chiếc Bobber ngày xưa còn thu hút bởi hệ thống giảm xóc nguyên bản bằng lò xo. Dòng Cruiser của Harley-Davidson là nguyên bản được dân chơi thập niên 40 và 50s cực kỳ ưa chuộng để độ lên Bobber.

Quay lại với thuật ngữ "cắt cụt" (bob) - thuật ngữ này xuất hiện vào những năm 20s - 30s để chỉ kiểu tóc "bob" rất phổ thông của nữ giới thời kỳ này, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình trong ý thức hệ của phái yếu khi họ bắt đầu vùng lên phá vỡ những chuẩn mực xưa cũ và cổ hủ về phái yếu trước đây. Và mái tóc cắt ngắn cụt cỡn được xem là hình thức nổi loạn thịnh hành nhất. Cũng chính từ đây, chuẩn mực của dòng xe độ Bobber hình thành dựa trên tiêu chí "cắt cụt"...

Tuy nhiên theo một vài nhà nghiên cứu về lịch sử xe 2 bánh tại Hoa Kỳ, Bobber không được xem là "một dòng xe độ chính thống" vì thực chất bất cứ tay chơi nào tinh chỉnh một xíu trên chiếc xe của mình cũng được xem là Bobber, và kiểu xe này cũng không có bất kỳ yêu cầu chuẩn mực nào ngoài việc làm ngắn lại so với xe nguyên bản. Tất nhiên lịch sử cũng chỉ là những câu chuyện được kể lại, còn về phần chủ quan người viết bài này vẫn công nhận Bobber là một dòng xe độ có chuẩn mực riêng của nó.

Chopper - sự tiến hóa hay tối giản ?
Đến những năm 60, khi việc tinh chỉnh chiếc xe 2 bánh đã trở nên phổ biến và thịnh hành thì cũng là lúc dòng xe Chopper xuất hiện với nhiều sự thay đổi rõ rệt so với người đàn anh Bobber. Đặc điểm nổi bật có thể nhận thấy từ một chiếc Chopper thời bấy giờ đó là: bình xăng tinh chỉnh - nhỏ hết cỡ, các chi tiết phủ Inox, lốp béo sau, trục trước và tay lái bị kéo dài với góc nghiêng lên đến 45 độ, và hầu hết đều được độ từ nguyên bản của Harley Davidson.
Tay lái Flander rất được ưa chuộng để độ Chopper.
Một trong những nhà độ xe Chopper đình đám bấy giờ là Arlen Ness - một trong những tay chơi có tiếng và là một kỹ sư tài hoa khi tạo ra không biết bao nhiêu mẫu Chopper hoàn toàn mới lạ và độc đáo, đặc biệt là ý tưởng độ Chopper cho một chiếc Harley Sportster đã làm nên danh tiếng của ông, và mẫu xe độ này được đánh giá là mang lại cảm giác thực hơn so với mẫu Chopper Hardtail truyền thống.

Cho đến năm 1967,  từ phía bờ Tây của Hoa Kỳ đã nổi lên một xưởng độ xe hoàn toàn mới có tên Denver's Chopper do Denver Mullins và Mondo Porras thành lập. Họ đã tạo nên bước ngoặc của chopper khi cho ra đời mẫu "Denver-choppers" với việc trục trước và tay lái được kéo dài hết cỡ góc nghiêng có thể đạt 30 độ, tay lái có thể cao hơn 1,25m so với ghế lái. Những năm tiếp theo các sản phẩm của họ liên tiếp thống trị thị trường Choppers và tạo ra xu thế phát triển cho các dòng xe 2 bánh.
Chopper vẫn chưa phổ biến lắm đối với người dùng vì đặc tính kỹ thuật và độ an toàn của nó không cao, tuy vậy thời đại Chopper đã mang đến cho ngành công nghiệp xe những ý tưởng đột phá mà trước đó không có dòng xe nào làm được.

Quay lại một chút với thời đại Chopper, khi mà trào lưu chạy dòng xe này lên đến đỉnh điểm thì cũng là lúc những tay chơi thực sự, những gangster nổi loạn lại quay ra chống lại cái xu thế này vì họ cho rằng Chopper đã mất đi sự độc đáo vốn có của nó ban đầu.

Dịch và Đăng: Tâm Đặng
Nội dung và Hình ảnh: Tổng Hợp

    Followers